CẤU TẠO CỦA MÁY PHOTOCOPY
Máy Photocopy hẳn không còn xa lạ với giới văn phòng, nhưng có thể bạn chưa hiểu hết về cấu tạo của cỗ máy sao chép đa chức năng này.
Cùng Vcopy khám phá nhé! Hy vọng bài viết sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho Quý khách hàng, đối tác cũng như các kỹ thuật viên mới đào tạo nâng cao tay nghề.
———-
1. Trống (Drum)
Trống là bộ phận chính của máy Photocopy làm nhiệm vụ chuyển đổi hình ảnh. Trống còn có tên gọi là trống từ, trống OPC (Organic Photo Conductor : quang dẫn hữu cơ). Trống được gọi là trống từ vì sử dụng từ tính trong quá trình tạo hình ảnh, gọi là trống OPC vì bề mặt trống có phủ lớp quang dẫn.
a). Cấu tạo của trống
– Lõi trống: bằng kim loại phi từ tính (chủ yếu bằng nhôm)
hình trụ tròn, rỗng.
– Mặt trống: bề mặt trống được phủ lớp quang dẫn.
Chất quang dẫn là một hợp chất đặc biệt có hai tính chất.
– Nhiễm điện: dễ nhiệm điện tích âm và bảo lưu được điện tích trong bóng tối.
– Cảm quang: sẽ bị mất điện tính khi có ánh sáng chiếu vào, ánh sáng càng mạnh thì điện tích mất đi càng nhiều và ngược lại (tỉ lệ thuận với cường độ ánh sáng chiếu vào).
b). Chú ý về trống
Do đảm nhiệm vai trò chính trong quá trình sao chụp nên trống phải được bảo quản, bảo dưỡng tốt, chỉ bị một vết xước nhỏ trên bề mặt trống thì trên bản chụp sẽ có vệt đen tức thì.
Trong quá trình sao chụp, trống luôn cọ xát với các bộ phận khác nên lớp quang dẫn sẽ bị mòn đi. Khi lớp quang dẫn bị mòn quá nhiều thì phải thay trống (khoảng 150.000 – 200.000 bản chụp) tuỳ thuộc vào chế độ chụp và cách bảo quản.
Trên trống có một thanh gạt gọi là gạt mực, có nhiệm vụ gạt sạch mực và bột giấy còn sót lại sau khi chụp. Khi thay trống mới, ta cần phải thay luôn thanh gạt này để đảm bảo trống mới không bị xước do thanh gạt cũ.
2. Mực (Toner)
a) Mực là một loại chất làm nhiệm vụ thể hiện hình ảnh trên giấy mực. Mực của máy Photocopy ở dạng bột và có màu đen, thành phần chủ yếu là Cacbon (nguyên liệu có sẵn, dồi dào và có màu đen tự nhiên).
Mực có hai tính chất:
– Nhiễm điện: mực cũng có khả năng nhiễm điện tích dương khi được cọ sát với từ.
– Chảy dính: Khi gặp nhiệt độ cao (từ 160oC trở lên) mực sẽ bị nóng chảy. Khi bị nóng chảy, mực có độ kết dính cao và dính chặt vào giấy, tạo nên hình ảnh trên giấy.
b) Chú ý về mực
Do trực tiếp tạo nên bản chụp nên chất lượng của mực rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bản chụp. Mặt khác, trong quá trình sao chụp, mực tiếp xúc trực tiếp với một số bộ phận như lô sấy, lô ép và một số hạt mực có thể rơi vãi xuống trống. Vì vậy, độ mịn của mực và chất lượng của mực là rất quan trọng, cần phải quan tâm.
Hiện nay, trên thị trường có lưu hành nhiều loại mực giả với giá rẻ. Khi dùng loại mực này, các bộ phận của máy như trống từ, lô sấy, lô ép sẽ bị ảnh hưởng và giảm tuổi thọ nhanh chóng do mực không mịn và chảy dính không đều.
3. Bột từ (Developer)
a) Bột từ là những hạt sắt cực nhỏ có từ tính cao (bản chất là những hạt nam châm vĩnh cửu điện tính âm) làm nhiệm vụ mang mực đến sát trống. Sau khi đưa mực đến sát trống, do bề mặt trống nhiễm điện tích âm nên sẽ hút mực, đồng thời đẩy từ trở lại hộp từ để tiếp tục chuyển các hạt mực khác. Do vậy, bột từ tiêu hao không nhiều trong quá trình chụp mà chỉ bị giảm từ tính. Khi còn tốt, một hạt từ có thể mang được 2-3 hạt mực. Lượng mực cung cấp cho trống sẽ thay đổi tỷ lệ và gây cho bản chụp bị mờ hoặc bẩn, khi đó sẽ phải thay từ mới.
b) Chú ý về từ
Cũng như mực, từ hiện nay cũng bị làm giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất rất nhiều. Khi ta sử dụng hàng giả, hàng nhái, độ từ tính sẽ bị suy giảm rất nhanh và gây ra hai hiện tượng :
– Từ mang được ít mực nên bản chụp sẽ bị mờ.
– Từ không hút mực chặt nên các hạt mực rất dễ bị rơi vãi trên đường vận chuyển. Các hạt mực rơi vãi lung tung trong máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của các bộ phận và bản chụp bị lem nhem.
4. Lô sấy (Hot Roller)
Là một trục tròn, thường có màu đen bằng kim loại dẫn nhiệt tốt (thường làm bằng hợp kim nhôm) có nhiệm vụ sinh nhiệt để làm mực nóng chảy.
Lô sấy bao gồm: đèn nhiệt, thăm nhiệt, cầu chì nhiệt.
Đèn nhiệt sinh ra nhiệt để lô sấy toả nhiệt ra bề mặt lô sấy.
Thăm nhiệt có nhiệm vụ đo nhiệt để báo về bộ xử lí.
Cầu chì nhiệt có nhiệm vụ bảo vệ đèn nhiệt.
5. Lô ép (Presurre Roller)
Lô ép là một trục tròn bằng vật liệu đàn hồi (thường làm bằng cao su) có nhiệm vụ ép dính mực sau khi đã nóng chảy lên trên bề mặt giấy. Lô ép được đặt song song với lô sấy, tiếp xúc trực tiếp với bề mặt lô sấy. Trong quá trình chụp, hai lô này quay ngược chiều nhau. Do vậy, nếu một trong hai lô này bị phồng lên hay sứt mẻ thì lô còn lại cũng bị ảnh hưởng nếu không được khắc phục sớm.
6. Cao áp
Cao áp là bộ phận có nhiệm vụ sinh ra từ trường lớn để hút các bộ phận khác hay làm cho các bộ phận khác nhiễm điện.
Các loại cao áp trong máy Photocopy là:
– Cao áp nạp: nạp đồng đều điện tích âm lên bề mặt trống.
– Cao áp hút: hút mực từ trống xuống bề mặt giấy.
– Cao áp tách: tách giấy ra khỏi bề mặt trống.
7. Các bộ phận khác
Trong máy Photocopy còn có hàng loạt các bộ phận khác như Sensor, cò tách giấy, các bánh răng, hệ thống gương, đèn quét, cuộn hút… đảm nhận các vai trò khác nhau trong quá trình hoạt động của máy.
—————————-
Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Máy Văn phòng Việt
– Địa chỉ: Số 10 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, HN
– Hotline: 0243.972.7058 | 024.7100.8888 (Máy lẻ 408/409)
– Fanpage: https://www.facebook.com/vcopy.com.vn/
– Website: www.vcopy.com.vn
Rất hân hạnh được phục vụ tất cả mọi người – HÃY GỌI CHO CHÚNG TÔI NGAY!